KHÁI QUÁT VỀ TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Trụ sở Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội

Địa chỉ: 43, Hai Bà Trưng, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

 

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI – 72 NĂM

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945, “thiết lập các Tòa án quân sự”, trong đó có Tòa án quân sự Hà Nội. Đồng chí Phan Mỹ được bổ nhiệm làm Chánh án đầu tiên của Tòa án quân sự Hà Nội. Việc thành lập Tòa án quân sự với chức năng xét xử tất cả các hành vi xâm hại đến sự vững mạnh của Nhà nước đã đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án nhân dân nói chung và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nói riêng.

Những ngày đầu thành lập, Tòa án quân sự Hà Nội tập trung thực hiện công tác xét xử, phục vụ kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ, bảo vệ sức mạnh và kỷ luật của quân đội. Năm 1946, tại đình làng La Khê, Hà Đông, Tòa án quân sự Hà Nội đã mở phiên tòa đầu tiên, xử tử hình tên Quản Dưỡng phạm tội bắn vào đoàn nhân dân đi biểu tình ở tỉnh Hà Đông. Địa danh này đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định xây dựng “Bia ghi dấu sự kiện địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án nhân dân tại Bắc Bộ” và tổ chức khánh thành vào ngày 20/4/2014.

Bên cạnh hệ thống Tòa án quân sự, ngày 24/01/1946 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Toà án (Tòa án thường) và các ngạch Thẩm phán. Ở thành phố Hà Nội có Tòa án đệ nhị cấp Hà Nội (năm 1950 đổi tên thành Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), có thẩm quyền xét xử về hình sự, dân sự và thương sự; về biên chế có 7 Thẩm phán đệ nhị cấp, gồm: Chánh án là ông Vũ Tiến Tuân; Dự thẩm: ông Nguyễn Trọng Lưu và Lê Tài Triển; Thẩm phán: ông Nguyễn Bích Liên và Vũ Tuấn Sán; Phó biện lý: ông Lê Đình Chân và Lương Văn Hòa. Năm 1957, căn cứ vào yêu cầu cách mạng, hệ thống Tòa án được tổ chức lại theo hướng các Tòa án quân sự được nhập vào hệ thống Tòa án thường. Theo đó, Tòa án quân sự Hà Nội được nhập vào Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức tốt công tác xét xử các loại vụ án thuộc thẩm quyền, góp phần bảo vệ chính quyền kháng chiến, chống càn quét, chống bắt lính, bắt phu, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ sở ở vùng sau lưng địch. Nhiều cán bộ Tòa án hoạt động trong vùng địch hậu đã chịu đựng gian khổ, cùng nhân dân diệt tề trừ gian, được nhân dân thương yêu, che chở và tin tưởng. Hòa bình lập lại, năm 1954, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã khắc phục muôn vàn khó khăn, tổ chức tiếp quản thắng lợi và tham gia xét xử kịp thời các vụ án hình sự, dân sự, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn của Thủ đô, góp phần đề cao vị thế của chính quyền mới. Điển hình là việc xét xử vụ án Lê Thị Hải Yến, Nguyễn Hữu Đang, Phan Toại hoạt động, lôi kéo một số phần tử xấu trong giới văn nghệ sĩ ra báo “Nhân văn giai phẩm” đả kích Đảng, nhà nước, hô hào quần chúng biểu tình gây bạo loạn, thu thập tài liệu, tin tức cung cấp cho địch, kích động chiến tranh; vụ Linh mục Nguyên Văn Thông, tu sĩ Lê Thị Đông hoạt động gián điệp ở Tòa giám mục Hà Nội...

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tích cực phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô, tham gia chống chiến tranh phá hoại; đồng thời, coi trọng xét xử, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, đặc biệt là tội phản cách mạng, làm gián điệp và tội phạm kinh tế, góp phần bảo vệ chế độ và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, ví dụ như xét xử vụ án gián điệp Thái Nhữ Siêu, vụ Nguyễn Quân Quyện và đồng bọn lấy ô tô của Nhà nước làm phương tiện vận chuyển để lấy trộm xăng, dầu... Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã cử 07 Thẩm phán, lãnh đạo tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và chuẩn bị nhân sự, sẵn sàng xây dựng các Tòa án địa phương ngay sau khi miền Nam được giải phóng.

Thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế đất nước đã có những phát triển đáng kể. Bên cạnh những mặt tích cực mà nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, thì mặt trái của nó cũng tác động tiêu cực đối với xã hội, làm gia tăng tội phạm, trong đó có những loại tội phạm mới gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, hành chính gia tăng, đặc biệt là các tranh chấp về dân sự liên quan đến đất đai, nhà ở, thừa kế hoặc tranh chấp về tài sản trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức tốt công tác xét xử các loại vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, trọng điểm, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của Thủ đô Hà Nội như vụ án mang tính chất băng nhóm “theo kiểu xã hội đen” (vụ “ Khánh trắng”, “Phúc bồ”); vụ án mua bán trái phép chất ma tuý với số lượng lớn, địa bàn phạm tội rộng và có đông người tham gia (vụ Vũ Xuân Trường); vụ án Lã Thị Kim Oanh phạm tội tham nhũng có giá trị đặc biệt lớn, vụ án Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân nguyên là Luật sư phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…

Thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-QH của Quốc hội khoá XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây được hợp nhất vào Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội từ ngày 01/8/2008. Với địa bàn công tác rộng, các loại vụ án đều tăng đáng kể, phức tạp và đa dạng nhưng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Hàng năm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết trên 3.000 vụ án các loại; chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án được nâng cao, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa giảm rõ rệt; công tác tổ chức xét xử được quan tâm, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, điển hình là việc xét xử vụ án Nguyễn Thị Nhi và các đồng phạm gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản nhà nước tại 40 phố Nhà Chung và số 178 phố Nguyễn Lương Bằng, vụ án Bùi Tiến Dũng (PMU 18) cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án Lê Quốc Quân phạm tội “Trốn thuế” , Cù Huy Hà Vũ phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; vụ án Dương Chí Dũng phạm tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án Nguyễn Đức Kiên phạm các tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong từng giai đoạn, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân ngày càng được kiện toàn theo hướng, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng từng bước đổi mới, hoàn thiện về tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để tập trung nâng cao chất lượng xét xử và các mặt công tác khác, góp phần vào việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tạo hành lang pháp lý an toàn cho các hoạt động kinh tế, xã hội phát triển, ổn định chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Những ngày đầu thành lập, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội chỉ có 7 biên chế; về trình độ chuyên môn nghiệp vụ có 05 Cử nhân Luật và 02 Tú tài (tốt nghiệp Trung học phổ thông ngày nay); về cơ cấu tổ chức, không có đơn vị trực thuộc. Đến nay (tính đến ngày 01/4/2017), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có 192 người, trong đó có 64 Thẩm phán, 124 Thư ký và chức danh khác; về trình độ chuyên môn nghiệp vụ có 35 Thạc sỹ Luật, 143 cử nhân; về trình độ lý luận chính trị có 51 người có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị. Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội gồm Ủy ban Thẩm phán, Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính, Văn phòng, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án, Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và Thi đua khen thưởng. Hằng năm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết 3.000 vụ án các loại.

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội còn được giao nhiệm vụ quản lý 30 Tòa án nhân dân cấp huyện, thành phố Hà Nội về công tác tổ chức cán bộ, tài chính kế toán. Hiện nay, các Tòa án nhân dân cấp huyện có 662 người, trong đó có 304 Thẩm phán, 358 Thư ký và chức danh khác; về trình độ chuyên môn nghiệp vụ có 02 Tiến sỹ Luật, 97 Thạc sỹ Luật, 554 cử nhân; về trình độ lý luận chính trị có 74 người có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị; hằng năm, thụ lý, giải quyết 24.500 vụ án các loại, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Trong suốt quá trình 72 năm xây dựng và phát triển, dù trong bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội luôn nỗ lực phấn đấu, tổ chức thực hiện tốt công tác xét xử và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, góp phần vào thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của đất nư­ớc, đó là đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước và với những thành tích, tiến bộ đạt được trong 72 năm qua, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã vinh dự được tặng thưởng nhiều “Bằng khen”, “Cờ Thi đua” của Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, được Chủ tịch Nước tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng Nhất, hạng Nnhì, hạng Ba, “Huân chương Độc lập” hạng Ba.

Phát huy truyền thống vẻ vang và tự hào của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, với ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với tinh thần đoàn kết, nhất trí và nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, toàn thể cán bộ, công chức Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư"; với phương châm: "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân"; thực hiện tốt chiến lược cải cách tư pháp, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.