Giai đoạn 1992-2002
Đường lối đổi mới mọi mặt về đời sống xã hội do Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng đã tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, xây dựng Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước. Nhìn chung nhiều quy định của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân được kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1980. Bên cạnh đó, một số quy định của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và của Toà án nhân dân nói riêng đã thể hiện rõ nét đổi mới các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan này.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước nhà, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một văn bản pháp luật riêng biệt về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân. Trong Pháp lệnh này đã quy định cụ thể tiêu chuẩn của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ở mỗi cấp Toà án; nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Sau rất nhiều năm, chế độ bổ nhiệm Thẩm phán được khôi phục lại (chế độ bầu Thẩm phán được duy trì từ năm 1960 đến năm 1992).
Về cơ cấu tổ chức, biên chế của các Toà án nhân dân có sự bổ sung căn bản so với các quy định của pháp luật trong các giai đoạn trước năm 1992. Toà án nhân dân thành phố Hà Nội gồm có: Uỷ ban Thẩm phán, Toà Hình sự, Toà Dân sự, Toà Kinh tế, Toà Lao động, Toà Hành chính, Văn phòng và Phòng Kiểm tra – Giám đốc. Công tác thi hành án dân sự được chuyển giao sang Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xét xử.
Khái quát về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân thời kỳ này có thể thấy, hệ thống Toà án nhân dân nói chung và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nói riêng đã có những cải cách nhất định cả về tổ chức và hoạt động, bước đầu đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của Toà án trong công cuộc đổi mới đất nước và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở nước ta trong thời kỳ đổi mới. Kết quả đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án thể hiện ở việc Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và các Tòa án địa phương khác đã được giao thêm thẩm quyền giải quyết, xét xử các vụ án kinh tế, lao động, hành chính và giải quyết các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; trong cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập các Toà chuyên trách tương ứng để thực hiện việc xét xử các loại vụ án mới thuộc thẩm quyền của Toà án; chế độ bổ nhiệm Thẩm phán theo tiêu chuẩn cụ thể với nhiệm kỳ 5 năm thay cho chế độ bầu Thẩm phán, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các Toà án đã được quan tâm và cải thiện một bước.
Trong giai đoạn này, nền kinh tế đất nước đã có những phát triển đáng kể. Bên cạnh những mặt tích cực mà nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, thì mặt trái của nó cũng tác động tiêu cực đối với xã hội, làm gia tăng tội phạm, trong đó có những loại tội phạm mới gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Mặt khác, mặt trái nền kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân của việc gia tăng các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, đặc biệt là các tranh chấp về dân sự liên quan đến đất đai, nhà ở, thừa kế hoặc tranh chấp về tài sản trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức tốt công tác xét xử các loại vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, trọng điểm, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của Thủ đô Hà Nội như vụ án mang tính chất băng nhóm “theo kiểu xã hội đen” (vụ “ Khánh trắng”, “Phúc bồ”); vụ án mua bán trái phép chất ma tuý với số lượng lớn, địa bàn phạm tội rộng và có đông người tham gia (vụ Vũ Xuân Trường).