Tin địa phương
Xây dựng chính quyền Thủ đô hiệu lực, hiệu quả đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô
Ngày đăng
11/09/2018 | 6:10 PM
| View count: 702
HNP - Sáng 7/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của Hội đồng Lý luận Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố và các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cùng các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đồng chủ trì Hội thảo.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải kết luận hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: Để có cơ sở xây dựng Đề án, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo Đề án đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát trực tiếp tại các Quận, Huyện, Thị ủy và các xã, phường, thị trấn trong Thành phố; phối hợp với các cơ quan tư vấn, các nhà khoa học, các chuyên gia, các sở, ban, ngành của Thành phố triển khai xây dựng 8 chuyên đề; tổ chức 04 Hội thảo tham gia ý kiến vào các nội dung của 8 chuyên đề; 03 cuộc hội thảo xin ý kiến 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của Thành phố về các nội dung của Đề án; tổ chức học tập kinh nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số Thủ đô của các nước thực hiện mô hình chính quyền đô thị thông minh. Tại các cuộc hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần thiết phải việc triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội. Việc xây dựng Đề án trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Đề án rất mong muốn, với kinh nghiệm thực tiễn quản lý của các đồng chí trong Hội đồng Lý luận Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố những năm qua, cũng như các kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ đóng góp cho Thành phố những ý kiến quý báu. Các ý kiến của các đồng chí sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo Đề án hoàn thiện hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đủ điều kiện trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thì đây là Đề án toàn diện, được chuẩn bị công phu, rõ nhiều vấn đề và có tính khả thi cao. Góp ý cho Đề án, PGS,TS. Lê Minh Thông cho rằng, xây dựng mô hình CQĐT không chỉ là mô hình tổ chức, còn là thẩm quyền và cách thức hoạt động, thay đổi cách thức quản lý, cách thức hoạt động, cách thức bộ máy ứng xử và xử lý công việc. Vì vậy, cần chú trọng quan điểm theo cách tiếp cận "gọn bộ máy, gọn tổ chức, rõ thẩm quyền và thay đổi cách thức hành động". PGS,TS. Lê Minh Thông nhất trí với lộ trình Hà Nội đặt ra, 5 năm cho từng giai đoạn thí điểm, cụ thể là giai đoạn 1 từ 2021 - 2026, giai đoạn 2 từ 2026 - 2031. Ở giai đoạn 1 bám sát kết luận của Bộ Chính trị là tổ chức mô hình ở đô thị, chỉ nên tổ chức lại cấp chính quyền cấp phường; giữ mô hình cấp quận và Thành phố, chỉ điều chỉnh chức năng nhiệm vụ; không bỏ HĐND cấp xã.
Nhận xét về Đề án, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng Đề án được xây dựng nghiêm túc, công phu, khoa học, đề cập đến xây dựng CQĐT một cách toàn diện; tính toán đương đối hợp lý với điều kiện của thời đại, đất nước và điều kiện riêng của Thành phố. Hai mô hình CQĐT thể hiện sự chặt chẽ, rõ ràng và thể hiện sự quyết tâm đổi mới. Góp ý cho Đề án, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn yếu tố nhân dân, cụ thể về cơ cấu, trình độ văn hóa, nhận thức chính trị, nhu cầu đời sống... để bảo đảm sự phát triển toàn diện của con người, để thực sự đề án trước hết là phục vụ người dân. Ngoài ra, Hà Nội cần cân nhắc tính toán mô hình thứ ba là mô hình gồm 2 cấp (1 cấp chính quyền đầy đủ là cấp Thành phố, 1 cấp chính quyền không đầy đủ là cấp quận, huyện) có tính đến đô thị lõi và khu vực nông thôn.
Theo TS. Nguyễn Thế Thảo, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vấn đề mong muốn là xây dựng chính quyền Thủ đô chứ không phải CQĐT. Vì vậy, về nội hàm đề án, thứ nhất đề nghị Hà Nội xây dựng và mạnh dạn đề xuất Trung ương đặt vấn đề nghiên cứu xây dựng chính quyền Thủ đô Hà Nội. Thứ hai Hà Nội là Thủ đô, trong đó đặc thù là bao gồm cả vùng đô thị và nông thôn, cách đặt vấn đề bộ máy chính quyền phải đa dạng; ngay trong nội thành cần xây dựng mô hình chính quyền nội thành từ các cấp. Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng, bộ máy hành chính, chính quyền ở từng khu vực cần nghiên cứu theo hướng đa dạng hóa; ở cấp huyện nên đưa về mô hình chính quyền nông thôn.
GS. TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương góp ý, trong đề án tính cấp thiết cần nhấn mạnh là tính hiệu lực, hiệu quả. Việc sử dụng CQĐT TP Hà Nội không phù hợp mà cần thay thành CQĐT Thủ đô Hà Nội bởi đặc thù khác hơn các địa phương khác. Bên cạnh đó là phải làm rõ đề án đến cuối cùng kiến nghị cái gì, trong đó Hà Nội tự chủ như thế nào, có tự chủ mọi tình huống và giải quyết mọi vấn đề cơ bản hay không. Theo GS. TS Vũ Văn Hiền, trong Đề án có 2 đặc thù là đô thị và các vùng xung quanh. Vì vậy, phải đa dạng cấp chính quyền, mạnh dạn theo phương án 2 là bỏ hết HĐND cấp xã, còn chính quyền cấp 1 là TP để nâng hiệu lực hiệu quả và cách tự tổ chức, bảo đảm tính tự quản, tự chủ.
Kết luận Hội thảo, thay mặt Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trân trọng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu đồng thời cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Đề án. Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội là đô thị hết sức đặc biệt, nằm trong 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Với quy mô dân số tăng nhanh, trong khi hạ tầng đô thị không kịp phát triển để đáp lại nhu cầu của người dân, do vậy, Hà Nội không đáp ứng được vị trí đầu não của cả nước. Thẩm quyền, quyền tự chủ, nguồn vốn đầu tư... đang là những vấn đề hết sức bất cập và là thách thức lớn đối với Thủ đô Hà Nội. Tất cả những khó khăn đó đã được Ban Thường vụ Thành ủy đưa vào báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết 11 gửi Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã đồng ý cho Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy thì Đề án này là vô cùng khó.
Khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu để hoàn thiện Đề án gửi Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo để xin ý kiến các bộ, ban, ngành, tổ chức của Trung ương. Nhấn mạnh Đề án được xây dựng hết sức kỹ lưỡng, Bí thư Thành ủy cho biết, mục tiêu của Đề án là xây dựng một chính quyền Thủ đô hiệu lực, hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô; trong đó, sẽ tăng cường quyền tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố, cũng như tăng cường phân cấp từ thành phố xuống quận huyện, phát huy vai trò chủ động của các quận, huyện...
Huy Kiên