Tin địa phương

Bí thư Thành ủy: Tạo thuận lợi cho người nộp thuế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Ngày đăng 02/08/2017 | 3:18 PM  | View count: 201

HNP - Chiều 1/8, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi làm việc với Cục thuế TP Hà Nội về kết quả công tác thuế 7 tháng đầu năm 2017; triển khai nhiệm vụ giải pháp 5 tháng cuối năm 2017. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị

 
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách ước đạt 107.785 tỷ đồng, đạt 57,5% dự toán được giao, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Trong đó, một số khoản thu luôn duy trì được sự tăng trưởng bền vững, như khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh (tăng 25,1%), khu vực đầu tư nước ngoài (tăng 21,2%), thuế thu nhập cá nhân (tăng 26,1%)…
 
Lãnh đạo Cục Thuế TP cho biết, có được những kết quả trên, đơn vị đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ ngay từ đầu năm, từ đẩy mạnh tuyên truyền, CCHC, hỗ trợ người nộp thuế. Ngành Thuế Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả nộp thuế qua mạng, kê khai thuế điện tử. Đến nay, có trên 98% doanh nghiệp (DN) đang hoạt động thực hiện kê khai thuế qua mạng và 95% trong số đó nộp thuế bằng phương thức điện tử, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19 của Chính phủ, giúp tiết giảm chi phí cho người nộp thuế.
 
Cục Thuế Hà Nội cũng đã triển khai thành công Đề án đăng ký, cấp mã số DN tự động, với thời gian thực hiện không quá 30 phút, chỉ bằng 12,5% thời gian so với quy định (4 giờ). Ngoài ra, Cục Thuế đã triển khai thí điểm việc khai và nộp thuế trước bạ ô tô, xe máy điện tử (mức độ 4) tại 2 Chi cục Thuế (Ba Đình và Hai Bà Trưng), từ đó triển khai nhân rộng ra toàn địa bàn trong thời gian tới.
 
Đáng chú ý, Cục Thuế Hà Nội là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai phương thức kiểm tra thuế điện tử kết hợp với kiểm tra truyền thống; ứng dụng CNTT vào phân tích rủi ro và hỗ trợ quá trình thanh tra, kiểm tra. Kết quả, trong 7 tháng đầu năm, Cục Thuế TP đã hoàn thành 11.444 cuộc thanh, kiểm tra, đạt 62,8% kế hoạch, tăng 98,6% so với cùng kỳ; xử lý truy thu, truy hoàn và phạt 1.503 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ; giảm lỗ 1.485 tỷ đồng, giảm khấu trừ 177 tỷ đồng. 
 
Về công tác quản lý, đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ thuế, 7 tháng đầu năm, toàn ngành đã ban hành hơn 1,3 triệu thông báo tiền nợ thuế và tiền chậm nộp thuế qua điện tử; hơn 12,7 nghìn quyết định cưỡng chế tài khoản đối với gần 9 nghìn đơn vị với số nợ 5.786 tỷ đồng; cưỡng chế đối với 3.167 đơn vị với số tiền nợ là 3.179 tỷ đồng. Công khai 7 đợt danh sách 939 đơn vị, dự án nợ tiền thuế phí, tiền thuê đất với tổng số nợ là 2.857 tỷ đồng. Với kết quả trên, Hà Nội là một trong hai địa phương có số nợ giảm so với 31/12/2016.
 
Cũng trong 7 tháng đầu năm, ngành Thuế Thủ đô đã xây dựng và triển khai hiệu quả 7 đề án, trong đó, có một số đề án như dán tem đối với 100% cây xăng trên địa bàn (306 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 484 cây xăng); đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đã phát thông báo bằng tin nhắn đến 13.422 chủ tài khoản cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội để các cá nhân tự rà soát, đồng thời xác định trách nhiệm trong việc kê khai, nộp thuế. Bước đầu các chủ tài khoản kinh doanh qua mạng xã hội đã liên hệ với cơ quan thuế để được hướng dẫn, trợ giúp.
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội kiến nghị, đối với các doanh nghiệp nợ nghĩa vụ tài chính về đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chậm nộp…), UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, địa phương không cấp dự án mới, không xem xét cho điều chỉnh quy hoạch dự án cũ (nếu có); đình chỉ đối với các dự án đang xây dựng hoặc thu hồi giấy phép đối với dự án chưa thi công…
 
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, đối với ngành Thuế Hà Nội, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm vẫn là hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, chính vì thế ngành Thuế cần có giải pháp và chịu trách nhiệm với Thành uỷ Hà Nội về nhiệm vụ thu. Để làm được, ngành cần tập trung vào 2 giải pháp: Thanh tra, kiểm tra để đạt được kế hoạch đặt ra, đồng thời cần thu thập đầy đủ thông tin theo quy định để xác định doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong công tác thuế. Thứ hai là tiếp tục tập trung xử lý tình trạng nợ đọng thuế. 
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải biểu dương những kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Thuế trong những năm qua, từ đó đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả Thành phố, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để doanh nghiệp Thủ đô hoạt động, phát triển. 
 
Bí thư Thành ủy cũng đánh giá cao việc ngành Thuế đã xây dựng chương trình, mục tiêu, kế hoạch, phương pháp lãnh đạo chỉ đạo linh hoạt; nhiệm vụ được phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ. Ngành Thuế cũng quan tâm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hồi nợ đọng, có nhiều chính sách hiệu quả, thiết thực để hỗ trợ cho người nộp thuế…
 
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy ghi nhận Cục Thuế Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu của Thành phố cũng như ngành Thuế cả nước về CCHC, cụ thể trong cấp mã số thuế cấp tự động 100% qua mạng, 98% DN kê khai thuế qua mạng, 95% DN nộp thuế điện tử… Đây là những kết quả tích cực, tạo môi trường cho doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động ổn định và phát triển. 
 
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, lĩnh vực CCHC vẫn còn có thể làm tốt hơn nữa. Do đó, đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, Cục Thuế TP tiếp tục đẩy mạnh, nỗ lực hơn nữa trong CCHC, lấy mục tiêu phục vụ, tạo thuận lợi cho người nộp thuế là hàng đầu. 
 
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, việc đẩy mạnh CCHC của ngành đã giảm rất nhiều việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân, từ đó góp phần đẩy lùi tham nhũng. Tuy nhiên, Bí thư Thành uỷ đề nghị Cục Thuế vẫn cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ cần thiết và liên tục bởi đặc thù của ngành liên quan trực tiếp đền tiền. 
 
Nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ ngành Thuế Thủ đô cần tập trung thực hiện, Bí thư Thành ủy cho rằng, mặc dù hoạt động của DN cũng như môi trường đầu tư đã được cải thiện, nhưng đây vẫn đang là thách thức lớn, bởi nguồn thu tăng thời gian qua lại chủ yếu từ thuế sử dụng đất. Do đó, nếu không định hướng vào phát triển sản xuất kinh doanh, “vực” các DN dậy thì sẽ rất khó khăn, trong khi TP còn dư địa lớn từ các hộ kinh doanh cá thể. “Tiềm năng như vậy, nên ngành thuế phải phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho các hộ này trở thành DN”, Bí thư Thành ủy nói.
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu việc trao đổi thông tin giữa các sở, ngành phải thông suốt, chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong xử lý vi phạm và ngăn ngừa tội phạm trong lĩnh vực thuế. “Kiến nghị của Cục thuế rất xác đáng, nhưng làm sao vận hành hiệu quả thì phải có cơ chế chia sẻ thông tin, tránh tình trạng DN vi phạm nhưng vẫn được cấp giấy phép xây dựng. Chúng ta phải làm nghiêm để đưa tín hiệu yêu cầu DN phải chấp hành tốt”, đồng chí nhấn mạnh.
 
Bí thư Thành uỷ cũng lưu lý Cục Thuế tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ công chức đủ điều kiện hội nhập về ngoại ngữ, về chuyên môn cũng như về ứng dụng CNTT. Tiếp tục đưa ra các cơ chế, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nộp thuế, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa.
 

THÔNG BÁO MỚI

Thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh