Tin địa phương
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU tại huyện Thanh Oai
Ngày đăng
02/08/2017 | 3:17 PM
| View count: 231
HNP - Sáng 1/8, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, Trưởng đoàn kiểm tra số 01 của Thành ủy, đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tại huyện Thanh Oai.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của huyện Thanh Oai, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, giá trị cao, bền vững: Sản xuất nông nghiệp từng bước được chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đó là vùng trồng cây ăn quả Cao Viên, Kim An, Thanh Mai, Thanh Cao với tổng diện tích 230ha, đem lại giá trị kinh tế cao (từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm). Toàn huyện có trên 200ha vùng trồng rau an toàn của 6 xã (Kim An, Thị trấn Kim Bài, Thanh Cao, Bình Minh, Xuân Dương, Tam Hưng) trong quy hoạch đến nay đã thực hiện được 108 ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa.
Vùng nuôi trồng thủy sản trong huyện có tổng diện tích 720ha, điển hình ở xã Liên Châu (145ha), Hồng Dương (90ha), Dân Hòa 50ha, Tam Hưng 50ha... với thu nhập trên 350 triệu/ha/năm. Vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư có 47ha, tập trung ở các xã Kim Thư, Tân Ước, Thanh Mai, Tam Hưng, cho hiệu quả cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa.
Huyện Thanh Oai còn có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như: Mô hình cây ăn quả áp dụng VietGap tại xã Kim An với diện tích 18ha đươc thực hiện trên vùng cây ăn quả đã được công nhận nhãn hiệu tập thể Cam đường Kim An; chuỗi thực phẩm an toàn A - Z với quy mô 4.000 con lợn được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, liên kết bao tiêu sản phẩm do HTX Hoàng Long thực hiện tại xã Tân Ước; Chuỗi trứng vịt Liên Châu quy mô 42 hộ dân tham gia thực hiện theo quy trình giám sát chăn nuôi đảm bảo an toàn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, xử lý dịch bệnh đang kết nối với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm; Mô hình 2.000 con lợn chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm do hộ ông Nguyễn Mạnh Hùng, xã Đỗ Động thực hiện.
Đoàn công tác thăm trường Trung học cơ sở Đỗ Động, được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí do quận Ba Đình hỗ trợ
Đặc biệt, mô hình lúa nếp cái hoa vàng sản suất theo tiêu chuẩnVietGap quy mô 30ha gắn với tiêu thụ sản phẩm do HTX Nông nghiệp Tam Hưng thực hiện; Mô hình mạ khay máy cấy quy mô 20ha tại xã Bình Minh do HTX Nông nghiệp Bình Minh thực hiện được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo mạ đến thu hoạch; Mô hình rau hữu cơ quy mô 2ha tại xã Tam Hưng được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau hữu cơ do Công ty Bắp Cải thực hiện.
Có được kết quả trên do huyện Thanh Oai đã chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao; liên kết đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm các loại có giá trị kinh tế cao. Huyện đã triển khai 8 lớp tập huấn trên cây lúa cho gần 600 hộ nông dân và 7 lớp tập huấn trên cây rau cho trên 200 hộ dân; 7 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho trên 250 hộ… Ngoài ra, đã phối hợp với các ngành của TP Hà Nội thực hiện được 2 chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm là chuỗi thịt A-Z của HTX Hoàng Long, Chuỗi sản xuất và tiêu thụ trứng vịt Liên Châu. Bước đầu 2 chuỗi đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân.
Thanh Oai đặc biệt thành công trong việc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 10 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian, chủ yếu là các câu lạc bộ hát quan họ. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh và thực hiện chính sách bảo hiểm cho người dân luôn được quan tâm. Toàn huyện hiện có 463 cán bộ y tế, trong đó Bác sĩ có 69 người (chiếm 14,9% cán bộ), bình quân 3,4 bác sĩ/10.000 dân. Các xã đều có bác sĩ làm việc tại trạm y tế, 100% xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, 100% thôn có nhân viên y tế được đào tạo cơ bản. Đến nay, có 19/20 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2016-2020.
Về xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện đã có 10 xã đạt chuẩn NTM; còn lại 10 xã chưa đạt, trong đó: có 4 xã đạt 15 tiêu chí, đang phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2017. 6 xã còn lại đạt từ 10-11 tiêu chí…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý huyện Thanh Oai không được bằng lòng với những kết quả đạt được mà phải cố gắng hơn nữa. Với những tồn tại, hạn chế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Thanh Oai cần tập trung tìm rõ nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục. Hiện, huyện đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa thì phải cố gắng sản xuất theo quy mô lớn; phải có được những mô hình nông nghiệp ứng dụng KHKT và cho giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, trong xây dựng NTM, so với các huyện khác thì thì tỷ lệ xã NTM của huyện Thanh Oai còn thấp, mới đạt 50%. Do đó, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo huyện cần phấn đấu cần tăng tốc trong xây dựng NTM hơn nữa. Nhấn mạnh công tác y tế của huyện tuy đạt kết quả tốt, song đến nay, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 75,68%, còn thấp so với mức trung bình của toàn Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo huyện cần phấn đấu tốt hơn nữa trong công tác y tế.
Trước mắt, huyện Thanh Oai phải tập trung quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết. Hiện, huyện đang có 200 ca sốt xuất huyết, riêng xã Dân Hòa có tới 70 ca. Vì vậy, huyện cần phải tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tốt hơn để cùng với Thành phố nhanh chóng dập tắt dịch bệnh này.
Từ nay tới cuối năm, Phó Bí thư Thành ủy chỉ đạo huyện Thanh Oai cần tập trung vào 6 nhiệm vụ. Một là tiếp tục công tác tuyên truyền xây dựng NTM để mọi người dân hiểu rõ trách nhiệm tham gia. Hai là phải tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn và nông nghiệp sạch nhằm nâng cao giá trị nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Ba là tập trung nguồn lực cho 4 xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm nay để các xã này hoàn thành mục tiêu. Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa trên địa bàn. Thứ 4 là phải quan tâm nhiều hơn đến công tác vệ sinh môi trường, đẩy mạnh cung cấp nước sạch cho người dân, thực hiện tốt quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Thứ năm là củng cố các HTX, phát triển đa dạng các loại hình HTX ở nông thôn, khuyến khích các HTX thực hiện theo luật HTX mới. Thứ 6 là xây dựng hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, giữ vững ổn định an ninh nông thôn, tuyệt đối không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự…
* Trước đó, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy tại xã Dân Hòa và Đỗ Động. Tại xã Dân Hòa, Đoàn thăm Trường Mầm non trung tâm xã. Đây là công trình được xây dựng theo đề án nông thôn mới của địa phương, khánh thành đi vào hoạt động năm 2015, hiện có 700 học sinh. Từ khi ngôi trường này đi vào hoạt động, xã Dân Hòa đã xóa được điểm trường nhỏ lẻ phải học nhờ, học tạm tại các nhà văn hóa thôn. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, đây là điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới của xã Dân Hòa, thể hiện sự quan tâm đến xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục trong xây dựng nông thôn mới...
Cũng trong buổi sáng, đoàn công tác của thành ủy đã đi thăm Phòng phám đa khoa khu vực Dân Hòa được huyện Thanh Oai đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động năm 2015 phát huy hiệu quả tốt; Thăm làng nghề tạc tượng thôn Vũ Lăng, xã Dân Hòa, hiện có 450 hộ gia đình làm nghề phụ. Ngoài ra, đoàn công tác đã thăm trường Trung học cơ sở Đỗ Động, xã Đỗ Động. Ngôi trường đang được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí do quận Ba Đình hỗ trợ theo chương trình các quận nội thành hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng nông thôn mới do Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy phát động.