Hoạt động ngành tòa án
Cũng trong phiên họp này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết “Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo” và Nghị quyết “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân”.
Trước đó, ngày 24/4/2018, Hội đồng Thẩm phán đã thông qua Nghị quyết “Hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng mà Tòa án nhân dân tối cao phải ban hành theo nhiệm vụ được Quốc hội giao, nhằm triển khai có hiệu quả những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”.
1. Về Nghị quyết “Hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện”
Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện là một trong những quy định mới, tiến bộ của Bộ luật Hình sự năm 2015, thể hiện chính sách hình sự nhân đạo, khoan hồng của Đảng và nhà nước ta, khuyến khích những người bị kết án phạt tù tích cực cải tạo, sửa chữa lỗi lầm, sớm được trở lại với cộng đồng. Bên cạnh đó, việc quy phạm hóa các điều kiện, trình tự, thủ tục tha tù trước thời hạn là cơ sở pháp lý để chế định này được thực hiện chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả; bảo đảm áp dụng đúng đối tượng; đồng thời, có cơ chế buộc những người được tha tù trước thời hạn phải tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại theo bản án mà họ phải chấp hành trong những trường hợp cụ thể. Trên cơ sở quy định của Bộ luật Hình sự và nhiệm vụ của Quốc hội giao, Hội đồng Thẩm phán đã hướng dẫn cụ thể các điều kiện, trình tự, thủ tục tha tù trước thời hạn để áp dụng thống nhất trong thời gian tới đây.
2. Về Nghị quyết “Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo”
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện đã được quy định trong các Bộ luật Hình sự trước đây. Tuy nhiên, chế định này đã được bổ sung nhiều nội dung mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành án treo, nâng cao hiệu quả của việc áp dụng chế định này, hướng tới mục tiêu chung của Bộ luật Hình sự đó là “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội”; bảo đảm xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, nhưng cũng có những chế định để tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo, sửa chữ lỗi lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Một trong những quy định mới trong chế định án treo, đó là: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án...” (Khoản 5 Điều 65). Quy định này bảo đảm cho việc áp dụng và thi hành án treo chặt chẽ và nghiêm khắc hơn nhiều so với quy định trước đây.
Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán về án treo vừa được thông qua đã hướng dẫn cụ thể các quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự, bảo đảm việc áp dụng án treo được thực hiện đúng và thống nhất, thể hiện được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; đồng thời ngăn ngừa những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình áp dụng áo treo làm ảnh hưởng đến những giá trị tích cực, tiến bộ và nhân văn của án treo. Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị quyết mới cũng khắc phục một số vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thi hành Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999 về án treo”, đặc biệt là các hướng dẫn về điều kiện cho hưởng án treo, về những trường hợp cho hưởng và không cho hưởng án treo không còn phù hợp với quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015.
3. Về Nghị quyết “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết các tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân”
Ngày 21-6-2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14, trong đó giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án; hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu quy định tại Nghị quyết này.
Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn cụ thể các quy định về tranh chấp nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; việc làm đơn khởi kiện, nộp đơn và thụ lý đơn khởi kiện về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn; về ủy quyền khởi kiện, tham gia tố tụng; về kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng. Việc ban hành nghị quyết này sẽ góp phần triển khai thi hành hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, tháo gỡ không ít nút thắt gây vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp về nợ xấu tại Tòa án nhân dân; góp phần tạo cơ chế xử lý nợ xấu gắn với xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, đánh tan “cục máu đông” nợ xấu của nền kinh tế.