Tổ chức cán bộ

Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức áp dụng mô hình phòng xét xử mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015
Ngày đăng 04/01/2018 | 7:35 PM  | View count: 6341

Từ ngày 01/01/2018, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đã tiến hành sửa chữa phòng xét xử để đáp ứng yêu cầu mới. Với sự bố trí chỗ ngồi của người bào chữa ngang hàng với kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa đề cao nguyên tắc tranh tụng, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự.

Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng nhiều Nghị quyết, Thông tư, công bố án lệ để áp dụng trong xét xử nhằm đẩy mạnh thể chế hóa Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp. Về hình thức cũng có những chuyển biến tích cực như trang phục của thẩm phán và đặc biệt là triển khai mô hình phòng xét xử mới, bố trí chỗ ngồi của luật sư bào chữa ngang hàng với Đại diện VKS nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Với sự bố trí chỗ ngồi của người bào chữa ngang hàng với kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, mô hình phòng xét xử mới sẽ loại bỏ vành móng ngựa tại vị trí của bị cáo để thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng, khẳng định ý chí lấy kết quả tranh tụng làm cơ sở để đưa ra phán quyết công bằng, tiếp cận công lý và hạn chế thấp nhất oan sai trong xét xử hình sự.

Ngày 1/4, TAND Tối cao có công văn gửi TAND và Tòa án quân sự các cấp về việc triển khai thực hiện mô hình phòng xử án. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao về áp dụng mô hình phòng xét xử mới từ ngày 01/01/2018, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đã tiến hành sửa chữa phòng xét xử để đáp ứng yêu cầu mới.

Phòng xét xử án hình sự thực hiện từ ngày 01/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức.

Theo hướng dẫn, thực hiện quy định tại Điều 257 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hiện quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác.

Mô hình mà TAND Tối cao đưa ra với phiên tòa hình sự sơ thẩm thông thường thì HĐXX ngồi ở bục cao nhất. Thư ký phiên tòa ngồi dưới một cấp, quay lưng vào HĐXX. Đại diện VKS và luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, các đương sự ngồi đối diện nhau và ở phía dưới HĐXX. Thấp hơn nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.

Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức - Nguyễn Sinh Thành chia sẻ: Việc thiết kế phòng xử án mà luật sư và viện kiểm sát ngồi ngang nhau, thể hiện sự bình đẳng giữa đại diện Viện kiểm sát thực hiện chức năng buộc tội và luật sư thực hiện chức năng bào chữa. Đây không chỉ là vấn đề thay đổi vị trí ngồi một cách cơ học mà phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo (Khoản 5, Điều 103) cũng như chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta thể hiện trong Nghị quyết số 08 ngày 2/1/2002, Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005.

Phiên tòa hình sự xét xử các bị cáo về tội: “Đánh bạc” diễn ra ngày 03/8/2018 tại phòng xét xử án hình sự - Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức.

Việc bố trí phòng xử án theo Điều 257, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thể hiện sự đổi mới của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực cải cách tư pháp: Đề cao nguyên tắc tranh tụng, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự.

Về mặt hình thức của mô hình phòng xử án này, quyền bào chữa của bị cáo được ghi nhận trong Hiến pháp được bảo đảm và đang được thực thi từng bước trong hoạt động tố tụng hình sự của nước ta.           

           Phạm Thanh Hải

Thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh