TIN TỨC NỔI BẬT
Tiếp theo chuyến thăm Cộng hòa dân chủ Liên bang Nepal từ ngày 24-26/11/2017, Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam do Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dẫn đầu thăm và làm việc chính thức tại Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 27-29/11/2017.
Trong phiên hội đàm với Ngài Dipak Misra, Chánh án Tòa án tối cao Ấn Độ, Ngài Chánh án và các Thẩm phán Tòa án tối cao Ấn Độ giới thiệu với Đoàn về nguyên tắc tổ chức của nhà nước liên bang, hệ thống Tòa án Ấn Độ và một số lĩnh vực cải cách gần đây trong hệ thống. Hệ thống tòa án Ấn Độ bao gồm Tòa án tối cao – Tòa án cao nhất quốc gia, gồm Chánh án và 30 Thẩm phán, Tòa án cấp cao là Tòa án cao nhất tại mỗi bang (24 Tòa án cấp cao với hơn 1100 thẩm phán), Tòa án quận (hơn 200 Tòa án quận) và các Tòa án giản lược (17-18.000 Tòa giản lược). Ngoài ra, còn có các Cơ quan tài phán chuyên biệt (gia đình, sở hữu trí tuệ…). Tòa án tối cao chỉ xem xét lại các bản án, quyết định của Tòa án cấp cao bị kháng cao, xem xét các vụ án xâm phạm quyền lợi cơ bản của công dân và xâm phạm lợi ích công.
Để tăng cường quyền tiếp cận tòa án, tiếp cận công lý, theo Luật cơ quan trợ giúp pháp lý quốc gia, hệ thống trợ giúp pháp lý được tổ chức trên toàn quốc. Tòa án tối cao cũng có Hội đồng trợ giúp pháp lý do một Thẩm phán Tòa án tối cao làm Chủ tịch. Hệ thống này được mở rộng đến Tòa án cấp quận trên toàn quốc.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc tại Tòa án cấp cao Delhi |
Tòa án Ấn Độ hiện đang đối mặt với tình trạng số lượng vụ án chờ giải quyết rất lớn. Nhiều giải pháp quan trọng được tiến hành nhằm giảm số lượng án tồn đọng. Thứ nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Những hoạt động cụ thể bao gồm cung cấp máy tính cho thẩm phán và cán bộ tòa án, xây dựng phần mềm chuyên ngành, xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến. Ấn Độ đã xây dựng cơ sở dữ liệu tư pháp quốc gia, cung cấp thông tin rộng rãi về vụ án cho công chúng, luật sư, khách hàng và hỗ trợ các thẩm phán quản lý công việc. Giải pháp thứ hai là thành lập các diễn đàn địa phương (còn gọi là Tòa án nhân dân) trên cơ sở luật dịch vụ pháp lý địa phương. Bản chất mô hình này là sử dụng các thẩm phán nghỉ hưu, nhân viên công tác xã hội… giải quyết các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng. Thành viên diễn đàn địa phương này trực tiếp trao đổi với các bên tìm ra phương án giải quyết tranh chấp. Nếu các bên thống nhất với phương án giải quyết thì không có quyền kháng cáo quyết định của diễn đàn. Năm 2017, hệ thống này giải quyết được hơn 2 triệu tranh chấp. Giải pháp thứ ba tiếp theo là tăng cường hệ thống hòa giải gắn liền với Tòa án. Cuối cùng, Tòa án Ấn Độ tăng cường công khai hóa bản án và sử dụng án lệ.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giới thiệu về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án Việt Nam. Chánh án đánh giá cao hệ thống pháp luật và thực tiễn tổ chức công tác hòa giải tại Tòa án Ấn Độ. Chánh án Việt Nam đề nghị Chánh án Ấn Độ cử nhóm chuyên gia về hòa giải và tòa án điện tử sang Việt Nam nhằm hỗ trợ Tòa án Việt Nam đẩy mạnh các lĩnh vực này. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam trân trọng mời Chánh án Ấn Độ sang thăm chính thức Việt Nam vào thời điểm thích hợp năm 2018. Chánh án Ấn Độ vui vẻ nhận lời mời và cam kết sẵn sàng cử các thẩm phán và chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm.
Trước đó, sáng ngày 27/11, Đoàn đến thăm vào làm việc với Tòa án cấp cao Delhi. Bà Gita Mittal, Chánh án Tòa án cấp cao Delhi cùng các cộng sự đón tiếp Đoàn nồng hậu và nhiệt tình. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam giới thiệu sơ bộ mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án Việt Nam. Bà Chánh án giới thiệu với Đoàn về mô hình hòa giải mới được thử nghiệm thành công trong hệ thống Tòa án Ấn Độ, mà tiêu biểu là Tòa án cấp cao Delhi.
Hiện tại, ở Ấn Độ tồn tại bốn thủ tục giải quyết tranh chấp lựa chọn gắn liền với Tòa án, bao gồm trọng tài, hòa giải, thương lượng và tòa án giải quyết. Hình thức trọng tài yêu cầu phải có sự tự nguyện và đồng thuận của các bên, trọng tài viên do các bên chỉ định và trọng tài viên đồng ý trọng tài tranh chấp, quá trình trọng tài do Trọng tài viên tiến hành, phán quyết trọng tài được pháp luật thừa nhận và thi hành. Từ năm 2009, Tòa án cấp cao Delhi thành lập Trung tâm trọng tài gắn liền với Tòa án. Trọng tài viên rất đa dạng, là các luật sư, thẩm phán nghỉ hưu, kỹ sư... tùy theo bản chất tranh chấp, được lựa chọn dựa trên các tiêu chí cụ thể. Số lượng vụ việc đưa ra Trung tâm trọng tài tăng dần hằng năm. Năm 2017, Trung tâm trọng tài nhận giải quyết hơn 5000 vụ việc. Chi phí trọng tài do các bên tranh chấp trả sau khi vụ việc đã được giải quyết. Về hòa giải, Tòa án cấp cao Delhi thành lập Trung tâm hòa giải gắn liên với Tòa án, do Hội đồng điều hành lãnh đạo, bao gồm 4 thẩm phán và 4 luật sư, quyết định các vấn đề chính sách. Mỗi ngày, trung tâm giải quyết khoảng 60-80 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành tăng dần hằng năm, năm 2017 đạt 67-69%. Lương Hòa giải viên lấy từ ngân sách Nhà nước, mức phí cho Hòa giải viên là khoảng 150 USD, nhưng nhiều Hòa giải viên làm việc tình nguyện. Hòa giải viên được tuyển chọn từ nguồn các thẩm phán về hưu, luật sư…, theo Qui chế của Tòa án cấp cao Delhi, Thẩm phán đương nhiệm không tham gia hòa giải. Thủ tục hòa giải được tiến hành dựa trên Bộ qui tắc hòa giải. Học viện tư pháp của Tòa án tối cao Ấn Độ có chương trình riêng đào tạo hòa giải. Tại Delhi và một số bang khác, mô hình Trung tâm hòa giải gắn liền với Tòa án được mở rộng xuống các Tòa án cấp quận.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tặng quà Chánh án cấp cao Delhi |
Quy trình thương lượng được tiến hành giữa các bên với nhau, kết quả thương lượng được Tòa án thừa nhận. Qui trình Tòa án giải quyết có đặc trưng là do Thẩm phán tiến hành tại Tòa án.
Hệ thống Tòa án Ấn Độ tập trung phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình xét xử và quản lý. Một số qui trình tố tụng và các qui trình hành chính được điện tử hóa theo hướng không sử dụng giấy tờ hành chính. Trụ sở tòa án khi xây dựng mới đều tính đến việc tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thống tin như hệ thống hội nghị trực tuyến, phòng xét xử trực tuyến…
Gần đây, Ấn Độ tiến hành cải cách thủ tục tố tụng thương mại nhằm mục tiêu giảm thời gian trung bình giải quyết các tranh chấp thương mại. Đặc trưng của cải cách này là ấn định thời hạn cho từng giai đoạn tố tụng cụ thể.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao các kết quả mà Tòa án cấp cao Delhi đã đạt được trong việc đẩy mạnh hệ thống giải quyết tranh chấp lựa chọn. Chánh án cho rằng hệ thống này có nhiều lợi thế như giảm tải công việc của tòa án, giảm bớt tổng chi phí xã hội cho việc giải quyết tranh chấp, tiết kiệm thời gian và công sức, giữ gìn quan hệ giữa các bên tranh chấp và tăng cường lòng tin của công chúng vào hệ thống Tòa án. Chánh án đề nghị phía Ấn Độ giúp Tòa án Việt Nam tăng cường năng lực trong lĩnh vực này.
Trong suốt chuyến thăm, Đoàn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả của Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Đại sứ Tôn Sinh Thành tham gia các hoạt động chính thức của Đoàn.
Chu Trung DũngLịch xét xử
- lịch xét xử tháng 11/ 2020 (12/11/2020)
- Lịch xét xử tháng 10/2020 (16/10/2020)
- Lịch xét xử tháng 9/2020 (28/09/2020)
- Lịch xét xử tháng 9/2020 (01/09/2020)
Thông tin thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |