TIN TỨC NỔI BẬT

Mối quan hệ giữa Tòa án và truyền thông, hoạt động Công bố bản án
Ngày đăng 27/09/2017 | 5:39 PM

“Thực tiễn đã chỉ ra kinh nghiệm, quan hệ chặt chẽ giữa truyền thông và Tòa án có tác dụng rất tích cực cho việc nâng cao trình độ dân trí về pháp luật, góp phần hạn chế vi phạm và tội phạm; đồng thời, cũng làm chất lượng xét xử của Toà án tăng lên đáng kể”.

Đây là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong bài phát biểu tại Hội nghị Chánh án các nước châu Á-Thái Bình Dương lần thức 17 được tổ chức tại Tokyo từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 9 năm 2017. Cổng TTĐT TANDTC xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị nêu trên.

 

MỐI QUAN HỆ GIỮA TOÀ ÁN VÀ TRUYỀN THÔNG,

HOẠT ĐỘNG CÔNG BỐ BẢN ÁN

                                                                

 

                                                                     PGS, TS. Nguyễn Hòa Bình

                                                                        Bí thư Trung ương Đảng,

                                                               Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

                                                        Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

 

Truyền thông có vai trò quan trọng trong hoạt động mọi mặt của đời sống. Là nguồn của thông tin, truyền thông đóng góp tích cực vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan công quyền, trong đó có hệ thống Toà án. Thông qua truyền thông, công chúng sẽ biết được về các hoạt động của hệ thống Toà án, hiểu biết về quá trình đi đến các quyết định pháp lý, để từ đó tôn trọng, tâm phục, khẩu phục đối với mỗi phán quyết của Toà án, tạo ra niềm tin vào công lý. Đối với phần lớn dân chúng, mối liên hệ chủ yếu của họ với hoạt động của Toà án là thông qua tin tức của các phương tiện thông tin đại chúng. Chính vì vậy, truyền thông – mặc dù không phải là phương tiện duy nhất – nhưng đóng vai trò quan trọng, là nguồn tin tức và bình luận chủ yếu gây ảnh hưởng lớn nhất đối với các tầng lớp nhân dân về hệ thống Toà án.

Thông tin về các quy định của pháp luật, về hoạt động tố tụng và các tin tức liên quan đến hoạt động của Toà án được các phương tiện truyền thông phổ biến chính xác, kịp thời và đầy đủ, sẽ là kênh truyền tải có hiệu quả nhất để người dân tiếp cận pháp luật; nâng cao dân trí; qua đó tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; đồng thời, người dân cũng biết thêm về tình hình tội phạm, các thủ đoạn phạm tội mới để nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình và phòng ngừa tội phạm. Để phát huy hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật thì mối quan hệ giữa Toà án và truyền thông phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định như: (1) Toà án phải minh bạch, công khai các hoạt động theo quy định của pháp luật; (2) Toà án phải có trách nhiệm và những biện pháp thích hợp để cung cấp thông tin chính xác, hoàn chỉnh về các hoạt động của mình cho các cơ quan truyền thông; (3) Các cơ quan truyền thông phải có được thông tin và sự giúp đỡ về mặt pháp lý trong việc hiểu biết về cách thức, quy trình làm việc của Toà án và hiểu biết về những vấn đề cụ thể liên quan đến tin tức được đưa, để công chúng hiểu rõ công lý đã được thực thi và cơ sở của việc thực thi công lý.

Không nằm ngoài xu hướng chung trong tiến trình cải cách tư pháp mà  nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện, chúng tôi luôn tăng cường thông tin về các hoạt động của Tòa án và điều này được xác định là trọng tâm ưu tiên trong quá trình cải cách tư pháp, để hướng tới một nền tư pháp tiến bộ, công khai, minh bạch, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân.

Để thực hiện được điều này, không chỉ có trách nhiệm của Toà án, với tư cách là chủ thể công bố thông tin, mà rất cần đến vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông. Các phương tiện truyền thông đã luôn đồng hành cùng với quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống Toà án Việt Nam, không những là cầu nối giúp phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa thông tin về các hoạt động của Toà án đến người dân, mà còn chuyển tải các phản ánh, ý kiến của người dân đến Tòa án; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các Tòa án, trong đó có việc khắc phục kịp thời những sai sót trong hoạt động nghiệp vụ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nhận thức được vai trò quan trọng của truyền thông trong tổ chức và hoạt động, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã thành lập các cơ quan thông tin, báo chí của hệ thống Tòa án; đồng thời thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng thông tin để phục vụ tốt các mặt hoạt động của Tòa án, đặc biệt là công tác xét xử. Các đơn vị truyền thông của Tòa án đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông ngoài hệ thống thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Tòa án.

Theo đó, các hoạt động truyền thông chuyên nghiệp của chúng tôi bao gồm:

I. Về hoạt động thông tin tuyên truyền

Chúng tôi đã thành lập: Báo Công lý, Cổng Thông tin điện tử Toà án nhân dân tối cao và Chương trình truyền hình Toà án nhân dân. Đây là các phương tiện truyền thông nòng cốt trong công tác thông tin, tuyên truyền của Tòa án.

1. Báo Công lý: là cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao, đã tích cực tuyên truyền pháp luật của Nhà nước; giới thiệu nguyên tắc hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và phản ánh kịp thời các hoạt động, kết quả các mặt công tác của hệ thống Tòa án, như: công tác xét xử, cải cách tư pháp, hợp tác quốc tế, xây dựng hệ thống…Các tin bài về các hoạt động của Tòa án được cập nhật thường xuyên, liên tục và kịp thời trên Báo Công lý đã phản ánh tổng quan hoạt động chung của hệ thống Tòa án.

Kể từ ngày thành lập (năm 2001) đến nay, Báo Công lý đã duy trì xuất bản 08 kỳ/tháng với số lượng 64.000 tờ và xuất bản ấn phẩm phụ “Công lý và Xã hội” 08 kỳ/tháng với số lượng 160.000 tờ. Ngoài các ấn phẩm báo giấy, Báo Công lý đã thành lập Báo điện tử Công lý tại địa chỉ http://congly.vn và Chuyên trang điện tửCông lý xã hội tại địa chỉ  www.conglyxahoi.net.vn , thu hút số lượng lớn lượt truy cập hàng ngày (70.000 lượt truy cập).

2. Cổng Thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao: là cơ quan ngôn luận của Tòa án nhân dân tối cao trên internet; ngoài nhiệm vụ đưa tin có tính chất tuyên truyền về các hoạt động của Toà án như Báo Công lý, còn có nhiệm vụ cung cấp và truyền tải thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Bên cạnh đó, các Chuyên trang thông tin điện tử chuyên sâu cũng đã được xây dựng như: Hệ thống văn bản pháp luật, Sổ tay Thư ký, Sổ tay Thẩm phán...để đáp ứng nhu cầu của cán bộ, Thẩm phán và các độc giả khác tìm hiểu các thông tin pháp lý phục vụ công tác xét xử và nghiên cứu pháp luật. Đặc biệt, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã được đăng tải kịp thời trên Cổng Thông tin điện tử để phục vụ cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp nghiên cứu, áp dụng trong công tác chuyên môn. Các chuyên mục chuyên sâu cũng được xây dựng, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Tòa án; ví dụ như:

Chuyên mục “Trợ giúp pháp lý” với việc đăng tải các quy định, hướng dẫn về thủ tục hành chính tư pháp như thủ tục khởi kiện các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính; thủ tục kháng cáo; xin xóa án tích…đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận khi có yêu cầu liên quan đến Tòa án.

Chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” đăng tải nội dung trả lời chi tiết các vấn đề người dân quan tâm, gửi câu hỏi đề nghị giải đáp. Qua chuyên mục này, công chúng nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức pháp luật, để ứng xử phù hợp theo pháp luật, thực hiện pháp luật, giải tỏa vướng mắc pháp luật.

Chuyên mục “Bài viết trao đổi nghiệp vụ” được xây dựng với mục đích tạo ra diễn đàn để độc giả là các cán bộ, Thẩm phán cũng như các bạn đọc khác trao đổi về những vấn đề có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật, các vấn đề về khoa học pháp lý…. Cùng với chuyên mục này, chuyên mục “Góp ý văn bản” đã thu hút số lượng lớn độc giả và các cộng tác viên tham gia. Đã có rất nhiều bài viết đưa ra và phân tích sâu các quan điểm đối với các vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Nhiều ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản pháp luật có giá trị được đăng tải tại các chuyên mục này và được gửi đến Ban Soạn thảo các dự án Luật để tham khảo, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc tại Tòa án các cấp.

Với rất nhiều chuyên trang, chuyên mục được cập nhật thường xuyên, liên tục như đã nêu trên, Cổng Thông tin điện tử đã thu hút số lượng lớn lượt người truy cập, với trung bình khoảng 40.000 lượt truy cập/ngày.

3. Tuyên truyền trên hệ thống truyền hình

Để nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của Tòa án trong thực hiện quyền lực Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Đài Truyền hình Trung ương về việc ưu tiên đưa tin về hoạt động của Tòa án, đồng thời tổ chức Chương trình truyền hình chuyên trang của mình.

Đối với Đài Truyền hình Trung ương: Ngoài các thông tin cập nhật hàng ngày trên truyền hình Trung ương và địa phương về các phiên toà xét xử các vụ án thu hút sự quan tâm của công chúng, Chương trình xét xử định kỳ của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao – cơ quan xét xử cao nhất của hệ thống Toà án Việt Nam - cũng được giới thiệu trên Đài truyền hình Trung ương. Bên cạnh đó, một kênh phổ biến pháp luật quan trọng là chương trình “Toà tuyên án” đã được phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương, tái hiện quá trình xét xử các vụ án thông qua các phiên toà giả định, được xây dựng bằng những tư liệu trong thực tế xét xử của Toà án. Chương trình đã cung cấp kiến thức không những giúp người dân hiểu được cơ sở pháp lý của những phán quyết của Toà án, mà còn giúp cho Thẩm phán học tập nâng cao kỹ năng xét xử.

Đối với Chương trình truyền hình Tòa án nhân dân: Đây là Chương trình  được xây dựng để tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về Tòa án trong giai đoạn mới. Các chuyên đề cụ thể về hoạt động của Toà án như: cải cách tư pháp, công khai bản án, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán…thể hiện dưới các hình thức phóng sự, phản ánh, phỏng vấn, đối thoại… được phát sóng 2 kỳ/1 tháng, đáp ứng yêu cầu thông tin về các hoạt động của Toà án đến người xem truyền hình trong cả nước.

II. Về hoạt động thông tin của Tòa án có tính chuyên nghiệp

1. Tạp chí Tòa án nhân dân

Là diễn đàn khoa học pháp lý trao đổi lý luận và kinh nghiệm thực tiễn xét xử; xây dựng pháp luật; nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong công tác tổ chức, hoạt động của Tòa án, Tạp chí Toà án nhân dân được thành lập sớm nhất (ngày 14/01/1954), duy trì xuất bản 2 kỳ/tháng, mỗi năm phát hành trung bình khoảng 140.000 bản, phục vụ rộng rãi các độc giả trong và ngoài hệ thống Tòa án. Trải qua 63 năm phát triển, Tạp chí Toà án nhân dân đã thu hút được nhiều cộng tác viên là những Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm, các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý và chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Chính vì vậy, Tạp chí được xem là nguồn tài liệu tham khảo tin cậy, bổ sung, cập nhật kiến thức pháp lý phục vụ hoạt động chuyên môn của cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp; cán bộ nghiên cứu pháp luật trong và ngoài hệ thống Tòa án; sinh viên các Trường đại học Luật... Tạp chí đã luôn bám sát thực tiễn xét xử, cũng như các hoạt động khác của hệ thống Tòa án nên đã phát huy tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động xét xử của Tòa án.

2. Hoạt động thông tin về án lệ

Nghiên cứu, phát triển án lệ được nhìn nhận là một trong những dấu ấn quan trọng trong cải cách tư pháp của Toà án Việt Nam. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các Thẩm phán, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn... có thể đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án để phát triển thành án lệ theo quy định và tham gia ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai xây dựng Trang tin điện tử về án lệ với nhiều tính năng, phù hợp với quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Trang tin điện tử về án lệ là nơi cung cấp thông tin chính thức của Tòa án nhân dân tối cao về án lệ trong và ngoài nước; tạo kênh thông tin phong phú, phổ cập rộng rãi, nhanh chóng trong công chúng các hoạt động về án lệ; tạo ra diễn đàn trao đổi, tương tác thông tin mà những người quan tâm có thể dễ dàng tiếp cận. Các Thẩm phán có thể nhanh chóng tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật mới về án lệ, án lệ được công bố để nghiên cứu, tham khảo, phục vụ công tác xét xử. Công chúng và những người quan tâm đến án lệ có thể tra cứu bất kỳ một án lệ nào hoặc một bản án, quyết định được dự kiến làm nguồn án lệ và những hoạt động về án lệ; có thể dễ dàng góp ý, đánh giá đối với các án lệ đã được ban hành, cho ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất dự kiến phát triển thành án lệ.

Trang tin thông tin điện tử về án lệ góp thêm một kênh thông tin quan trọng, cung cấp thông tin chính thống hoạt động về án lệ của các Tòa án.

3. Hoạt động công bố bản án, quyết định của Toà án

Việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án là một trong những giải pháp để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án. Đây là đòi hỏi của cải cách tư pháp, của Hiến pháp, pháp luật và là kinh nghiệm phổ biến của quốc tế. Việc Tòa án công bố các bản án, quyết định trên Trang thông tin điện tử nhằm: tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhân dân; tăng cường sự giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của Tòa án; góp phần nâng cao chất lượng xét xử, tăng cường trách nhiệm và kỷ luật của Thẩm phán.

Thông qua việc công bố bản án, các tầng lớp nhân dân đều có cơ hội tiếp cận hoạt động xét xử của Tòa án; góp phần tuyên truyền pháp luật rộng rãi trong công chúng. Trong mỗi bản án, từng quy phạm pháp luật đã được Tòa án cụ thể hóa, áp dụng giải quyết trong từng vấn đề của vụ án. Vì vậy, các quy phạm pháp luật đến với công chúng một cách cụ thể, dễ hiểu và sinh động.

Việc công bố các bản án tuy vừa mới được các Tòa án triển khai trên Trang Thông tin điện tử công bố bản án của Tòa án (tại địa chỉ https//:congbobanan.toaan.gov.vn) nhưng đã thu hút số lượng lớn lượt truy cập, bình luận. Người dân đặc biệt quan tâm đến địa chỉ này, trung bình mỗi ngày có khoảng 50.000 lượt người truy cập để nghiên cứu. Nhận xét của người dân, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn… đối với các bản án được đăng tải là tích cực, đã trực tiếp tác động đến đội ngũ Thẩm phán, tạo ra động lực để các Thẩm phán tự học tập, tự đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.

Đánh giá chung: thực tiễn đã chỉ ra kinh nghiệm, quan hệ chặt chẽ giữa truyền thông và Tòa án có tác dụng rất tích cực cho việc nâng cao trình độ dân trí về pháp luật, góp phần hạn chế vi phạm và tội phạm; đồng thời, cũng làm chất lượng xét xử của Toà án tăng lên đáng kể. Vì vậy, thắt chặt quan hệ giữa Truyền thông và Toà án không những là nhu cầu của cuộc sống, mà còn là động lực hoạt động của các Toà án.

Thông tin thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh