Giai đoạn 1/8/2008 đến Nay

Thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-QH của Quốc hội khoá XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, theo đó, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội, chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình vào thành phố Hà Nội. Căn cứ vào Quyết định số 888/QĐ-TCCB ngày 01/8/2008 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội (mới) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây vào Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Các tòa chuyên trách, phòng nghiệp vụ của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (mới) được thành lập trên cơ sở hợp nhất các đơn vị tương ứng của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây và Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

Trước khi hợp nhất Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội được phân bổ 175 biên chế, thực có 170 người; trong đó có 67 Thẩm phán, 103 Thư ký và chức danh khác. Tại thời điểm hợp nhất Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội được phân bổ 248 biên chế, thực có 243 người; trong đó có 96 Thẩm phán, 147 Thư ký và chức danh khác.

Với tinh thần thể chế hóa những định hướng của Đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015.

Thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định số 345/2016/QĐ-CA ngày 07/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định tổ chức Tòa chuyên trách và Bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội gồm có 5 Tòa chuyên trách: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Lao động và 03 Phòng nghiệp vụ: Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng, Văn phòng. Biên chế các đơn vị được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Tính đến ngày 01/4/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có 192 người; trong đó có 64 Thẩm phán, 124 Thư ký và chức danh khác; về trình độ chuyên môn nghiệp vụ có 35 Thạc sỹ Luật, 143 cử nhân; về trình độ lý luận chính trị có 51 người có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị.

Trong các năm qua, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều vụ án xảy ra với tính chất, hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và các khiếu kiện hành chính đều tăng đáng kể, phức tạp và đa dạng. Hàng năm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết trên 3.000 vụ án các loại, số lượng án giải quyết tăng trung bình 10%/năm. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án được nâng cao, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa giảm rõ rệt; công tác tổ chức xét xử được quan tâm, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, điển hình là việc xét xử vụ án Nguyễn Thị Nhi và các đồng phạm gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản nhà nước tại 40 phố Nhà Chung và số 178 phố Nguyễn Lương Bằng, vụ án Bùi Tiến Dũng (PMU 18) cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án Dương Chí Dũng phạm tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án Nguyễn Đức Kiên phạm các tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vụ án, vụ án Phạm Hải Bằng và đồng phạm bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam; vụ án Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm phạm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Nam Hà Nội; vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản”, Giang Văn Hiển phạm tội "Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines…