TIn xét xử
(Công lý) - Sau phần thẩm vấn Trịnh Xuân Thanh về nguyên nhân PVC được chỉ định làm tổng thầu Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (PVN).
Theo đó, nguyên CT HĐQT Tập đoàn Dầu khí, Đinh La Thăng khai, trong dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, việc chỉ định PVC làm tổng thầu EPC xuất phát từ chủ trương của HĐQT trong chiến lược phát triển PVN giai đoạn 2015-2025, xây dựng PVN thành tập đoàn đa ngành, đẩy mạnh doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu.
Bởi vậy, triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế, Chính phủ đã cho phép PVN được thực hiện các dịch vụ, được thực hiện chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án đầu tư.
Từ đó, PVN đã xây dựng các công ty con trong đó có PVC được xây dựng thành một đơn vị xây lắp dầu khí mạnh của cả nước. Căn cứ vào chủ trương của Chính phủ, PVN đã chỉ định PVC làm tổng thầu dự án.
Bị cáo Đinh La Thăng (Ảnh: Hải Đăng)
Sau đó, Nghị quyết của PVN đồng ý cho PVC làm tổng thầu, căn cứ tờ trình của Tổng Giám đốc, HĐTV có nghị quyết phê duyệt nguyên tắc thành lập liên danh tổng thầu. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ tháng 2/2009. Nếu triển khai như dự kiến liên danh tổng thầu thì mất rất nhiều thời gian, trong khi nếu chọn tổng thầu trong nước thì có thể triển khai sớm. Bị cáo Đinh La Thăng nói "Với việc cấp bách như vậy, bị cáo đã thay mặt HĐTV ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, xin phép giao PVC làm tổng thầu".
Bị cáo cũng trình bày, nếu làm liên danh tổng thầu thì việc chọn lựa đối tác nước ngoài rất mất thời gian. Việc chỉ định PVC làm tổng thầu căn cứ vào năng lực, PVC có năng lực tài chính, đây cũng là đơn vị tham gia nhiều dự án điện lực dầu khí nên có kinh nghiệm.
Đối với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được phân công thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của HĐQT, Ban TGĐ, phân công cho từng người trực tiếp chỉ đạo từng lĩnh vực.
Nói về Hợp đồng số 33, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư (PVN) và tổng thầu, bị cáo không chỉ đạo ký Hợp đồng này.
PVC có đủ năng lực tài chính cũng như kỹ thuật, căn cứ vào tờ trình của Tổng Giám đốc nên HĐTV đã cho phép chỉ định PVC làm tổng thầu, việc này theo đúng quy định của pháp luật. Liên danh tổng thầu vẫn là do PVC lãnh đạo nhưng nhà thầu nước ngoài thiết kế.
Căn cứ để bị cáo ký chuyển liên danh dự thầu sang tổng thầu để PVC thực hiện là xuất phát từ các dự án đã thực hiện. Căn cứ báo cáo của chủ đầu tư và Ban Tổng Giám đốc, bị cáo đồng ý khởi công dự án vào 1/3/2011.
Theo bị cáo Thăng, ngày 24/2/2011 bị cáo mới phê duyệt thiết kế hiệu chỉnh, trước ngày khởi công 4 ngày. Giải thích điều này bị cáo Đinh La Thăng cho rằng PVN thực hiện rất nhiều dự án trọng điểm do đó để đảm bảo tiến độ và chất lượng, tập đoàn yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đồng thời các công việc. Không chờ đợi đầy đủ thủ tục mới tiến hành.
"Quá trình điều tra, bị cáo nhận trách nhiệm là người đứng đầu đối với nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Hôm nay, bị cáo thấy việc do có lúc nóng vội dẫn đến vi phạm quy trình thủ tục nên bị cáo nhận trách nhiệm", ông Thăng khai nhận.
Cũng trong phiên tòa sáng nay, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng BQL Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khai, tại cuộc họp ngày 31/3/2011, bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo BQL Dự án rà soát nội dung Hợp đồng số 33 đã ký, xem xét điều chỉnh ký lại giữa PVC và PVN.
Tiếp đó, tại cuộc họp ngày 01/6/2011, bị cáo Thăng đã yêu cầu điều chỉnh thiết kế tổng thể, yêu cầu BQL Dự án tạm ứng 10% giá trị HĐ cho PVC.
“Bị cáo có yêu cầu xem lại điều kiện Hợp đồng số 33 không phù hợp với quy định của Nghị định 48 của Chính phủ và yêu cầu hướng dẫn BQL thực hiện Nghị định 48 của Chính phủ”, Vũ Hồng Chương nói.
Bị cáo Vũ Hồng Chương (Ảnh: Hải Đăng)
Cũng theo bị cáo Chương, khi Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Sơn hỏi tại sao chưa chuyển tiền cho PVC, bị cáo đã thẳng thắn trả lời do chưa đủ cơ sở chuyển tiền.
"Sau đó ông Thăng gọi Nguyễn Xuân Sơn lên hỏi tại sao không chuyển tiền. Lúc đó tôi thấy hợp đồng mới chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang, chưa có phòng ban nào ký nháy vào đó…”, Chương khai tại tòa.
Cũng trong sáng nay, HĐXX đã hỏi ông Nguyễn Văn Kế (lái xe của bị cáo Nguyễn Anh Minh). Ông Kế cho biết có chở bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch) đến 2 ngân hàng khác nhau trong một buổi sáng để Hòa rút tiền. Tại ngân hàng thứ nhất, Hòa mang ra 1 túi sẫm màu, còn tại ngân hàng thứ hai, Hòa xách ra 1 túi to gấp 3 - 4 lần so với túi thứ nhất.
“Sau đó tôi chở anh Hòa về cơ quan, anh Hòa bảo tôi chuyển 2 túi này sang xe của Trịnh Xuân Thanh. Lát sau anh Minh có hỏi tôi về cơ quan chưa thì tôi bảo về rồi, anh Minh bảo chuyển các túi kia sang xe của Toàn, lái xe cho anh Thanh. Sau đó anh ấy bảo giữ lại cho tao 1 tỷ để tao chi tiêu”, ông Nguyễn Văn Kế cho biết.
Ông Kế cho biết, theo chỉ đạo của Minh, ông đã giữ lại túi nhỏ, trong đó có 1 tỷ đồng để giao cho Minh, còn túi to gấp 3 - 4 lần kia thì giao cho lái xe của Trịnh Xuân Thanh.
“Đến đầu giờ chiều tôi gọi Toàn lái xe của anh Thanh xuống để chuyển túi. 2 xe đỗ gần nhau và tôi chuyển luôn túi sang xe Toàn. Còn 1 tỷ anh Minh bảo giữ lại thì tôi để vào hộc xe, cùng ngày tôi đưa cho anh Minh, còn việc anh ấy chi tiêu thế nào tôi không biết”, ông Nguyễn Văn Kế nói.
Phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc trở lại vào 13h30' chiều nay.
Mạnh Hùng