TIn xét xử
Sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, chiều 18-8-2017, vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Vinashinlines đã khép lại với những hình phạt đích đáng dành cho các bị cáo.
Khắc phục hậu quả không nhiều ý nghĩa
Theo đó, với tội “Tham ô tài sản”, quy định tại khoản 4, Điều 278 - BLHS, Giang Kim Đạt (SN 1977) - nguyên Quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) bị tuyên phạt giữ nguyên mức tử hình như bản án sơ thẩm.
Cũng với tội danh theo Điều 278 - BLHS, Trần Văn Liêm (SN 1955) – cựu Tổng giám đốc (TGĐ) Vinashinlines cũng bị tuyên phạt mức án tử hình. Tổng hợp với 19 năm tù đang phải thi hành về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cựu TGĐ Vinashinlines phải chấp hành mức án chung là tử hình.
Giữ vai trò đồng phạm với 2 bị cáo nêu trên, Trần Văn Khương (SN 1950) - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines bị tuyên phạt tù chung thân. Vắng mặt tại phiên xử, bị cáo Giang Văn Hiển (SN 1950) - bố đẻ Giang Kim Đạt cũng bị giữ nguyên mức án 12 năm tù về tội “Rửa tiền”, quy định tại khoản 3, Điều 251- BLHS.
Trước khi lần lượt áp dụng các mức án nêu trên đối với các bị cáo, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội khẳng định, tại phiên tòa phúc thẩm mặc dù cả 4 bị cáo đều kháng cáo kêu oan nhưng hầu hết đều không đưa ra được tình tiết gì mới để chứng minh cho kháng cáo của mình. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai tại giai đoạn điều tra và tranh luận tại phiên tòa vẫn có đủ sơ sở khẳng định, các bị cáo đã chiếm đoạt gần 260,5 tỷ đồng và sau đó dùng phần lớn số tiền này mua sắm bất động sản, ô tô.
TAND Cấp cao tại Hà Nội khẳng định, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng vì đã xâm phạm đến chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước, đồng thời góp phần đẩy một doanh nghiệp từ chỗ làm ăn phát triển thành yếu kém, rồi phá sản. Do đó, việc cấp tòa sơ thẩm đã áp dụng những hình phạt đích đáng, nghiêm khắc đối với các bị cáo gắn với các tội danh trên là hoàn toàn phù hợp.
Quá trình xét xét xử phúc thẩm, bị cáo Liêm thay đổi nhận thức từ chỗ quanh co, chối tội sang thừa nhận hành vi chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng của Vinashinline chi tiêu cá nhân. Và gia đình bị cáo đã khắc phục hết hậu quả thay cho bị cáo. Đây tình tiết mới của vụ án cần được xem xét.
Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, vai trò của bị cáo Liêm thì việc khắc phục hậu quả không mang nhiều ý nghĩa. Vì vậy cần thiết phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo thì mới đủ sức răn đe và phòng ngừa tội phạm chung.
Là TGĐ nên phải chịu trách nhiệm
Trước đó, tại phần tranh luận, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa khẳng định, quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm cho thấy, các bị cáo tiếp tục không nhận tội. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, lời khai ban đầu của các bị cáo vẫn có cơ sở xác định, Trần Văn Liêm cùng đồng phạm đã tham ô số tiền đặc biệt lớn của Vinashinlines thông qua việc cho thuê tàu và nhận tiền chênh lệch giá mua tàu biển.
Theo đại diện VKS, quá trình thực hiện tội phạm, các bị cáo đã để ngoài sổ sách kế toán để hưởng lợi cá nhân số tiền gần 16 triệu USD. Trong đó, bị cáo Liêm chiếm hưởng 3,1 tỷ đồng, bị cáo Đạt hưởng lợi 255 tỷ đồng và bị cáo Khương hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng.
Và để che giấu việc nhận tiền phạm pháp, các bị cáo đã nhờ Giang Văn Hiển (bố đẻ của Giang Kim Đạt) mở 22 tài khoản ngoại tệ nhận tiền của các công ty môi giới tàu biển ở nước ngoài gửi về. Số tiền này, bị cáo Hiển sau đó rút ra đưa cho Đạt và mua nhiều bất động sản, ô tô…
Đánh giá vai trò của bị cáo, VKS nhìn nhận Liêm ban đầu kháng cáo kêu oan nhưng về sau thay đổi nội kháng cáo cho rằng không giữ vai trò chính trong vụ án và cũng không chỉ đạo Đạt thực hiện hành vi tội phạm. Nhưng với vị trí là TGĐ và người đại diện theo pháp luật của daonh nghiệp, bị cáo phải chịu chách trách nhiệm.
Mặt khác, tại CQĐT, bị cáo Đạt khai Liêm luôn là người “cầm trịch” trong vụ tham ô này, đồng thời cựu TGĐ Vinashinlines cũng từng thừa nhận việc chỉ đạo đồng phạm mở tài khoản để nhận tiền hoa hồng và chênh lệch giá cước.
Về mặt chủ quan, Liêm hoàn toàn nhận thức được việc nhận tiền hoa hồng, chênh lệch giá từ mua tàu và cho thuê tàu của bản thân là bất hợp pháp. Và thực tế, bị cáo đã nhận 150.000 USD từ Đạt, rồi giao cho Khương 110.000 USD.
Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, giữ quyền công tố tại phiên tòa, KSV khẳng định, bản án sơ thẩm quy kết Trần Văn Liêm cùng đồng phạm về tội “Tham ô tài sản” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đồng thời đề nghị HĐXX phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo.
Giang Kim Đạt (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng phạm