Hoạt động của tòa án nhân dân thành phố hà nội
Được sự quan tâm của Quận ủy, Hội đồng nhân dân và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố, các cơ quan tiến hành tố tụng quận Đống Đa đã tổ chức hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phối hợp năm 2023 giữa Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án Dân sự và đưa ra thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp liên ngành quận Đống Đa năm 2024.
Ngày 04/01/2024, liên ngành 04 cơ quan Đống Đa đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phối hợp giữa các cơ quan Tòa án – Viện kiểm sát – Công an – Thi hành án dân sự quận Đống Đa năm 2023.
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch thường trực HĐND quận Đống Đa. Chủ trì cuộc họp có đồng chí Đào Vĩnh Tường – Chánh án Tòa án nhân dân quận, đồng chí Lê Thị Thu Nguyệt – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận, đồng chí Đỗ Hồng Minh – Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, đồng chí Lê Trọng Hiếu – Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Đống Đa. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên và cán bộ 4 cơ quan.
Lãnh đạo liên ngành cơ quan Công an – Viện Kiểm sát - Tòa án - Thi hành án dân sự quận Đống Đa
Hội nghị thống nhất đánh giá: Năm 2023, liên ngành Công an – Viện Kiểm sát - Tòa án - Thi hành án dân sự quận Đống Đa đã phối hợp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Quy chế phối hợp ban hành ngày 18/11/2020. Cụ thể giải quyết: 1834 / 2078 tin báo (đạt tỉ lệ giải quyết 88,7%); Kết thúc điều tra: 548 /655 vụ (đạt tỉ lệ 83,66%) ; Truy tố 435 vụ/610 bị can (đạt tỷ lệ 100%); Xét xử hình sự: 434/435 vụ (đạt 99,8%); các loại vụ, việc dân sự 1731/ 1916 vụ (đạt 89,84%); Tổng số bản án, quyết định đã cho thi hành là 3916; trong đó tổng số có điều kiện thi hành đã thi hành xong là 2597 việc, đạt tỷ lệ 85,34 %. Chất lượng và tiến độ hoạt động phối hợp giải quyết tin báo được nâng cao; đẩy mạnh, xây dựng án trọng điểm, xét xử nghiêm minh, kịp thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm trên địa bàn quận.
Hội nghị cũng nêu ra một số quy định của Quy chế còn chưa cụ thể, đồng thời có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa được Quy chế điều chỉnh, từ đó xác định cần phải sửa đổi, bổ sung dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành;
Đ/C Lê Thị Thu Nguyệt – Viện trưởng Viện KSND quận Đống Đa
trình bày tóm tắt nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp liên ngành năm 2024.
Dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành năm 2024 (Dự thảo Quy chế) bao gồm 3 Chương, 19 Điều, trải dài từ giai đoạn tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Sau khi nghe tóm tắt nội dung Dự thảo, hội nghị đã sôi nổi thảo luận dưới sự chủ trì của đồng chí Chánh án. Rất nhiều ý kiến đóng góp đã được các đồng chí Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên … nêu ra, đây đều là những ý kiến tâm huyết của các đồng chí đúc rút từ thực tiễn công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tập trung đi sâu vào giải quyết các vấn đề phối hợp liên ngành hiện còn vướng mắc.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch thường trực HĐND quận Đống Đa phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân quận Đống Đa yêu cầu Ban soạn thảo khẩn trương hoàn thiện Quy chế năm 2024 đồng thời chỉ đạo việc tổ chức Lễ ký kết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân quận Đống Đa với sự chứng kiến của thường trực Quận ủy. Đồng chí đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phối hợp và yêu cầu các cơ quan nâng cao hơn nữa sự phối hợp trong việc giải quyết các vụ án Hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của Liên ngành tư pháp thành phố Hà Nội.
Đồng chí Đào Vĩnh Tường phát biểu kết luận tại Hội nghị
Phát biểu Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Đào Vĩnh Tường thay mặt lãnh đạo liên ngành thống nhất sửa đổi một số quy định của Quy chế chưa cụ thể, và bổ sung một số nội dung mới phát sinh chưa được Quy chế điều chỉnh vào Dự thảo Quy chế như các trường hợp đưa đi cai nghiện bắt buộc, giáo dục bắt buộc, công tác thu nộp tạm ứng án phí trực tuyến theo chỉ đạo cải cách tư pháp. Nghiên cứu đưa vào Quy chế những trường hợp nào cần phải xác minh lại về nơi cư trú hiện tại của bị can/ bị cáo trước khi các cơ quan ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn chuyển tiếp lệnh. Đối với trường hợp nhận ủy thác, cũng cần phải xác minh lại về nơi cư trú hiện tại của bị can/ bị cáo trước khi ra Quyết định; nếu bị can/ bị cáo không thực tế cư trú tại địa bàn quận thì trả lại ngay cho cơ quan uỷ thác. Bổ sung nội dung phối hợp liên ngành tổ chức các phiên tòa trực tuyến … Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo bổ sung vào quy chế công tác kiểm tra, giám sát người đang chấp hành án ngoài cộng đồng và xét giảm thời gian thử thách án phạt tại cộng đồng do Uỷ ban nhân dân phường quản lý do những năm gần đây, việc giám sát, quản lý những đối tượng này còn nhiều lỏng lẻo. Đề nghị căn cứ vào Kế hoạch cưỡng chế của Cơ quan thi hành án dân sự và Thông tư 31/2022/TT-BCA ngày 10/8/2022 của Bộ Công an, Công an quận xây dựng kế hoạch bảo vệ cho công tác cưỡng chế thi hành án; trong quá trình cưỡng chế, khi gặp sự chống đối của các đối tượng, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng tham gia có biện pháp xử lý kịp thời ổn định tình hình an ninh trật tự ….
Toàn cảnh cuộc họp liên ngành ngày 04/01/2024 quận Đống Đa
Hội nghị đã đi đến thành công tốt đẹp. Các đồng chí lãnh đạo 4 ngành ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được đồng thời mong rằng trong thời gian tới, các ngành Công an – Viện Kiểm sát - Tòa án - Thi hành án dân sự quận Đống Đa tiếp tục triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, của đơn vị, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chung của thành phố Hà Nội./.